You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Quản trị
  • Người sáng lập diễn đàn

Quản trị


http://www.teenviet8.com



[You must be registered and logged in to see this image.]VÕ VĂN TẦN

(1891 - 1941)

Võ Văn Tần sinh thời là đảng viên thuộc lớp đầu tiên ở Nam Bộ, từng trải qua nhiều chức vụ lãnh đạo từ cơ sở đến Trung Ương. Ở bất cứ cương vị nào, đồng chí cũng luôn luôn nêu cao khí chất của người Cộng Sản. Giữa năm 1941 lúc cách mạng gặp khó khăn nhất sau cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa, Võ Văn Tần – khi đó, đang là Ủy viên Trung Ương của Đảng Cộng sản Đông Dương bị thực dân Pháp giam cầm và đánh đập nát hai lòng bàn chân để chờ ngày đem đi xử tử- vẫn viết lên tường xà lim câu nhủ mình và “dặn các đồng chí”: “Lê – Nin nói thà mình chết, không khi nào mình giết chết phong trào cách mạng”. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống đấu tranh yêu nước ở làng quê Đức Hòa. Võ Văn Tần ngay từ thuở nhỏ đã lao động cực nhọc và hiểu rõ khí tiết chống giặc Pháp của Ông cha. Lớn lên ở tuổi thanh niên, anh dạy học ở nông thôn, làm nghề kéo xe tay trong Thành phố, rồi lại trở về làm biện làng để kiếm sống và tìm đường cách mạng. Nhưng ở đâu anh cũng chỉ nhận thấy sự bất công tàn ác của bọn đế quốc, phong kiến đè nặng lên thân phận những người lao động. Võ Văn Tần gia nhập “Hội kín” Nguyễn Văn Ninh mong tìm sức mạnh ở một tổ chức, nhưng mục đích và tôn chỉ của Hội không thỏa mãn nguyện vọng cách mạng của mình, anh chuyển sang Việt Nam Thanh Niên cách mạng đồng chí Hội (1926) rồi sau đó gia nhập An Nam Cộng Sản Đảng ở Nam Kỳ (1929) và để cuối cùng trở thành đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam (1930). Trước khi trở thành người cộng sản chân chính, Võ Văn Tần đã có một nhận xét sát đúng: “Thời đại nay chỉ thấy có con đường cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 lá sáng lạn nhất”. Và tin theo con đường đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản, anh tự nguyện vào Đảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Võ Văn Tần tỏ rõ là một đảng viên hăng hái tích cực. Với tài vận động và tổ chức của một thanh niên trí thức ham hoạt động và có ít nhiều kinh nghiệm, anh mau chóng tập hợp được quanh mình các thân hào có uy tín ở địa phương và gầy dựng được nhiều cơ sở yêu nước để sau chuyển sang thành cơ sở của Đảng như ở Giồng Lốt, Giồng Cám, Đức Hòa, Bình Hữu, Mỹ Hạnh, Hựu Thạnh. . . Vì vậy sau khi lập ra Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở Đức Hòa (vào đầu tháng 3 năm 1930). Võ Văn Tần được các đồng chí tín nhiệm cử ngay làm Bí thư Quận ủy Đức Hòa. Bản thân bốn anh em trong gia đình Tần (Võ Văn Tần, Võ Văn Mẫn, Võ Văn Tây, Võ Văn Ngân) đều trở thành những đảng viên cốt cán trong Đảng, riêng người em út Võ Văn Ngân về sau được cử vào cơ quan Xứ Ủy và Trung Ương Đảng. Ngày 4-6-1930 theo chủ trương của đồng chí Châu Văn Liêm – khi đó là Bí thư Liên tỉnh ủy Chợ Lớn – Gia Định, một cuộc đấu tranh chống địch đã được tổ chức đồng thời ở Đức Hòa, Hốc Môn và Bà Hom. Cùng với sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Liêm, Võ Văn Tần nhận trách nhiệm lãnh đạo biểu tình ở Đức Hòa, huy động nông dân từ ba cánh Bầu Trai, Mỹ Hạnh và Đức Hòa kéo về quận lỵ. Mỗi cánh do một Quận ủy viên phụ trách, trong đó Võ Văn Tần phụ trách cánh Bầu Trai . Đoàn biểu tình trên đường tiến vào Quận lỵ thì địch đưa lính đến đàn áp. Quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của đồng chí đã đấu tranh quyết liệt. Địch nổ súng bắn chết một số người, trong đó có đồng chí Châu Văn Liêm. Nhờ sự che chở khôn khéo của quần chúng, Võ Văn Tần thoát khỏi tay địch. Sau này, hồ sơ địch để lại lộ rõ ý đồ của chúng là truy lùng “Bộ Tần” và có tin khi đó chúng đã mở phiên tòa xử tử vắng mặt đồng chí. Bản án của đế quốc Pháp tại Sài Gòn càng làm cho quần chúng biết rõ người lãnh đạo của mình. Nông dân Đức Hòa coi anh là vị lãnh tụ xứng đáng của họ, các thầy cô giáo cũ đã dạy anh như Nguyễn Văn Truyện, đốc học Huỳnh Văn Y biết tin đều tỏ lòng khâm phục và xúc động. Tạm tránh sự truy nã gắt gao của địch. Võ Văn Tần cùng người em là Võ Văn Ngân đổi vùng sang làng Tân Thới Thượng tiếp tục khôi phục cơ sở Đảng rồi tái lập lại Tỉnh ủy Gia Định sau khi đồng chí Lê Trọng Mân (tức Khôi) bị bắt, Võ Văn Ngân được cử trực tiếp làm Bí thư. Ngày 23/03/1931 Võ Văn Tần cùng với đồng chí Nguyễn Công Khương bí danh của Lê Văn Lương, và một số đồng chí Xứ ủy, Thành Ủy Sài Gòn – Chợ Lớn phối hợp lãnh đạo cuộc đấu tranh bãi công của hơn 400 công nhân hãng dầu Xô – Cô – Ny (Nhà Bè) đòi bọn chủ Tây tăng lương, giảm giờ làm chống hành động cúp phạt đánh đập công nhân vô cớ. Thực dân Pháp đem lính về đàn áp, chúng bắt được Lê Văn Lương và một số đồng chí quần chúng, nhưng đã làm chấn động dư luận khắp thành phố Sài Gòn- Chợ Lớn và vụ này được tổ chức Quốc tế Công hội đỏ trực tiếp can thiệp, ủng hộ. Tháng 6 năm 1931 đồng chí Võ Văn Tần được cử làm Bí thư tỉnh Ủy Tỉnh Chợ Lớn thay cho đồng chí Lê Quang Sung là Bí thư Tỉnh ủy khóa đầu vừa sa vào tay giặc. Trong điều kiện bị mật thám Pháp và tay sai truy tìm. Võ Văn Tần thường ngày vẫn dùng bộ “bà ba” đen với gói cao đơn hoàn tán giả làm một thầy thuốc, đạp xe đi liên lạc chỉ đạo xây dựng cơ sở. Có lúc đồng chí cải trang làm tổng lý khăn đóng áo dài, hoặc xuất hiện bất ngờ ở Thành phố trong vai trò một tri thức, âu phục. Từ năm 1931 bước sang năm 1932, thực dân Pháp điên cuồng đánh phá hàng loạt cơ sở Đảng, cơ quan Xứ ủy bị tan vở liên tiếp bốn, năm lần. Võ Văn Tần đích thân đi tìm người để lập đi, lập lại cơ quan Xứ Ủy. Cũng chính thời gian này vào tháng 6 năm 1932 đồng chí đứng ra thành lập cơ quan Liên huyện ủy Hốc Môn – Bà Điểm – Đức Hòa và tổ chức viết báo “Cờ lãnh đạo” (trụ sở đạt tại nhà ông Chín Thôi xóm Giồng Găng, ấp Nhơn Hòa, xã Đức Hòa, nay là Đức Hòa Thượng) để vận động phục hồi cơ quan lãnh đạo của Đảng vừa bị phá vỡ tổ chức đấu tranh. Tiếp sau đó, đồng chí còn liên lạc với Ban lãnh đạo Đảng ở hải ngoại để xin ý kiến chỉ đạo phong trào. Trong khoảng cuối năm 1932 Võ Văn Tần sang làm Bí thư tỉnh ủy Gia Định để đồng chí Võ Văn Ngân trở về phụ trách Tỉnh ủy Chợ Lớn. Cũng cuối năm đó tờ báo “Cờ lãnh đạo” được nâng chuyển thành cơ quan tuyên truyền của Xứ Ủy Nam Kỳ. Nhờ hoạt động bí mật và có tác phong sâu sát quần chúng, đồng chí đã khéo léo che mắt định để thúc đẩy phong trào cách mạng ở hai tỉnh. Cơ sở Đảng được xây dựng, phục hồi tương đối đều khắp và nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra, trong đó có 3 cuộc biểu tình lớn của hơn 1400 nông dân Hốc Môn diễn ra ngày 18/04/1932 chống địch khủng bố và thu thuế, đế quốc Pháp phải huy động lính đến đàn áp. Từ cuộc đấu tranh Võ Văn Tần rút ra kinh nghiệm :Phải kiên quyết đình chỉ mọi hình thức đấu tranh có thể làm bộc lộ lực lượng của cách mạng để kẻ địch không thể lần ra đầu mối mà tiêu diệt phong trào, đồng thời phải đưa cán bộ Đảng đi vào quần chúng, âm thầm xây dựng cơ sở vững chắc cho phong trào mới, để tiến dần lên cao trào. Vào khoảng giữa năm 1933 Võ Văn Tần đích thân liên lạc xuống Miền Tây, chỉ đạo việc thành lập Tỉnh ủy Lâm thời Mỹ Tho (Cử đồng chí Thái Văn Đẩu làm Bí thư) đồng thời trong tư cách là cán bộ Xứ ủy, đồng chí đề nghị Tỉnh ủy Gia Định ra tờ báo “Lao động” để tuyên truyền hướng dẫn giáo dục đảng viên và giác ngộ quyền lợi giai cấp cho quần chúng lao động. Liền trong hai năm 1933- 1934, Võ Văn Tần dành nhiều công sức để liên lạc và tổ chức các hoạt động của Đảng giữa các Đặc ủy thuộc Liên tỉnh miền Đông và miền Tây, cũng như tham gia công việc xây dựng lại Xứ Ủy. Bằng năng lực và kinh nghiệm thực tiễn, Võ Văn Tần đã góp phần quan trọng vào việc duy trì, khôi phục và phát triển cơ sở Đảng ở các địa phương nhất là vùng Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong thời kỳ cách mạng đương gặp cơn thoái trào do sự đánh phá liên tiếp của địch. Vì thế đến tháng 5 năm 1935 khi Xứ ủy Nam kỳ phục hồi, đồng chí được cử vào Ban thường vụ của Xứ ủy (cùng với đồng chí Nam Liên tức Tống Văn Trân và Trần Văn Vi tức Dân Tôn Tử) Sau Hội nghị đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao – Trung Quốc (tháng 3 -1935) Võ Văn Ngân trở về cùng với Võ Văn Tần chọn làng Tân Thới Nhứt (Bà Điểm) – một vùng đất có con người giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, làm điểm đóng cơ quan của Trung Ương Đảng. Một thời gian sau đồng chí Võ Văn Ngân ốm nặng. Trung Ương Đảng chỉ định đồng chí Võ Văn Tần làm bí thư Xứ Ủy và bầu bổ sung vào Ban chấp hành Trung Ương. Được làm việc trực tiếp với các đồng chi Lê Hồng Phong – đại diễn của Quốc tế Cộng sản và Hà Huy Tập – tổng Bí thư đồng thời là người lãnh đạo chủ chốt và trực tiếp các công việc lớn của Đảng tại Nam Kỳ. Võ Văn Tần càng ra sức học tập các đồng chí về lý luận chủ nghĩa Mác Lê Nin và trau dồi các kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng. Ở thành phố đồng chí còn giữ quan hệ công tác chặt chẽ với Bùi Văn Thủ, Trần Văn Giàu là hai đồng chí được Đảng Cộng Sản cử đi học tập ở Liên Xô và trở về hoạt động rất đắc lực với nữ đồng chí Nam Bắc (tức Nguyễn Thị Minh Khai), năm 1937 là bí thư Thành Ủy Sài Gòn – Chợ Lớn), đồng chí Ba Nghi (tức Nguyễn Văn Nghi, ủy viên thường vụ Xứ ủy và là thành ủy viên) nhà ở Gò Vấp và nhiều đồng chí khác. Võ Văn Tần vẫn thường xuyên liên lạc về Đức Hòa thông qua đồng chí Thử một cán bộ nữ rất trung kiên, đồng thời cử cán bộ hoặc trực tiếp đi các tỉnh miền Đông và miền Tây để xây dựng tổ chức, uốn nắn những lệnh lạc, chỉ đạo công tác Đảng ở các địa phương, lãnh đạo việc thành lập mặt trận dân chủ ở Nam Kỳ, khi các đồng chí Hà Huy Tập rồi Lê Hồng Phong lần lượt bị địch bắt, công tác lãnh đạo của Đảng gặp nhiều khó khăn lại thêm Võ Văn Ngân bệnh nặng và mất, Võ Văn Tần vẫn cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng bí thư của Đảng (từ tháng 3-1938) dốc toàn bộ tâm lực để xây dựng phong trào, đối phó với mọi thủ đoạn đánh phá thảm độc của bọn thống trị và những mưu mô xảo trá của bọn Tờ-rốt –kít. Từ năm 1936 đến 1940 với tư cách Ủy viên Trung Ương Đảng và là Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, Võ Văn Tần đã tham dự và góp phần tích cực vào sự thành công của các Hội nghị Trung Ương Đảng, nhất là Hội nghị lần thứ 4 (họp từ 28-5 đến 4-9-1937) lần thứ 5 (29 đến 30-3-1938) và lần thứ 6. Đặc biệt tại hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 họp vào 3 ngày liên tiếp 6,7 và 8-11-1939 ở ấp Tây Bắc Lân- làng Bà Điểm (nhà ông Hai My), đồng chí là người ủng hộ mạnh mẽ đề nghị của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ về việc phải thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế trong tình hình mới và việc đặt ra những hình thức đấu tranh thích hợp để đưa phong trào cách mạng của quần chúng đi từ thấp đến cao, tiến tới võ trang khởi nghĩa. Ngoài ra với báo cáo trình bày về vấn đề nông dân, đồng chí đã góp phần làm sáng tỏ quan điểm lý luận và thực tiễn của Đảng trong đấu tranh cách mạng lúc bấy giờ: coi nông dân là lực lượng to lớn và là động lực cách mạng quan trọng ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, khác hẳn với các nước tư bản đương có nền công kỹ nghệ phát triển. Đang lúc Nghị quyết Trung Ương lần thứ 6 vừa ra đời và được truyền đi khắp Nam – Trung – Bắc thì ngày 18 tháng 1 năm 1940 các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng bí thư và Lê Duẩn, Ủy viên Trung Ương bị địch bắt trong lúc đang liên lạc về một cơ quan Đảng ở đường Nguyễn Tấn Nghiệm để triển khai công tác. Võ Văn Tần cùng với Phan Đăng Lưu và một số đồng chí đại biểu trong Xứ ủy và Thành ủy về nhóm họp bí mật tại số nhà 8 phố Cần Giuộc, bàn việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết. Đồng chí đích thân cùng đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo xây dựng các đội tự vệ võ trang ở các cơ sở, tổ chức nông hội, Công hội và Thanh niên phản đế. Nhờ sự chỉ đạo tích cực của Xứ ủy, trong đó có vai trò đóng góp nỗ lực của Võ Văn Tần, mà phong trào cách mạng toàn Nam Bộ tiến lên theo chiều hướng phát triển mới, chuẩn bị cho võ trang khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 14-07-1940 Võ Văn Tần bị địch bắt trong khi đang cùng một số đồng chí họp bàn tại nhà chị Nà ở ấp Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân thuộc huyện Hốc Môn – Bà Điểm). Biết đồng chí là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng Sản Đông Dương, thực dân Pháp đem bản án tử hình cũ ra đe dọa và không từ một thủ đoạn tra tấn dã man nào hòng khuất phục, song không hề lay chuyển được Võ Văn Tần. Nhiều lần lúc địch đánh đập chết đi sống lại, hễ còn dịp lết ngang qua gian xà lim các đồng chí khác, Võ Văn Tần đề dặn dò anh em: “Dầu bị tra tấn dã man đến đâu, tụi bây nhất định đừng khai, để tao nhận hết”. Bất lực trước việc dùng moi đòn tra khảo và cám dỗ, thực dân Pháp đem đồng chí ra tòa án binh để xét xử. Lần lượt bằng hai phiên tòa quân sự mở vào ngày 25-3-1945 và ngày 3-4-1941 tại Sài Gòn, thực dân Pháp đã buộc Võ Văn Tần và các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng Sản Đông Dương – Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến vào tội “có trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa” ở Nam Kỳ và những hành động “xúi giục dân chúng làm loạn quốc gia” và kết án tử hình các đồng chí. Ngày 28-8-1941 Võ Văn Tần cùng Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến bị địch đem ra xử bắn công khai tại khu giếng nước (nay là bệnh viện) Hốc Môn.Trước lúc hi sinh, tất cả các đồng chí đều dũng cảm giật tung mảnh vải bịt mắt và hô vang khẩu hiệu “Đảng Cộng Sản Đông Dương muôn năm!”, kêu gọi đồng bào tiếp tục đấu tranh chống đế quốc, giành tự do độc lập.

Khi còn sống, Võ Văn Tần được đồng bào và đồng chí gọi thân mật là “Anh Hai Vườn Trầu” hoặc “Ông già trầu” vì đồng chí có cuộc sống giản dị và gần gũi với tất cả mọi người. Võ Văn Tần thường nói với các đồng chí “Mình làm cách mạng mà không để cho nhân dân tin tưởng ở lời nói và việc làm của mình thì khó mà làm cách mạng được”. Nhất quán phấn đấu không mệt mỏi vì nhân dân, Tổ quốc, Võ Văn Tần đã để lại cho thế hệ cách mạng muôn đời tấm gương sáng về sự hy sinh cao cả của người chiến sĩ cộng sản trung kiên.

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết